Khi bắt đầu kinh doanh một studio nhiếp ảnh hay 1 studio áo cưới, các câu hỏi thường gặp là: Cần chuẩn bị những gì? Làm thế nào để lập kế hoạch kinh doanh cho studio? Kinh doanh nhiếp ảnh không đơn giản chỉ là chụp ảnh, makeup và photoshop trả ảnh cho khách hàng, mà còn cần có kỹ năng vận hành và quản lý từ nhân sự, tài chính kế toán, marketing,…. Những câu hỏi khác cần phải trả lời bao gồm: Ở đâu để tìm kiếm khách hàng? Làm thế nào để thực hiện chiến lược marketing? Chi phí sẽ như thế nào?
Tuy nhiên, khi lập kế hoạch kinh doanh cho một studio nhiếp ảnh mới bắt đầu, không cần phải quá cụ thể nhưng vẫn cần phải liệt kê các yếu tố chính của mô hình kinh doanh nhiếp ảnh.
1. Xác định sản phẩm và giá trị cung cấp dịch vụ của studio
Bạn nên quyết định lĩnh vực chụp ảnh của studio mình.
Ví dụ như chụp ảnh cưới, chụp ảnh gia đình và trẻ em, chụp ảnh kỷ yếu, sản phẩm, có tích hợp các dịch vụ in ảnh không, hay chụp ảnh nghệ thuật, hay chỉ thuê đồ cưới, chỉ là tiệm makeup. Và trả lời các câu hỏi sau: Tại sao bạn lại kinh doanh Studio ở lĩnh vực này? Các sản phẩm của Studio bạn mang lại lợi ích gì cho khách hàng? Và giải quyết được vấn đề gì cho họ? Tại sao khách hàng lại chọn sử dụng dịch vụ chụp ảnh của bạn mà không phải studio khác?
Điều quan trọng là phải xác định giá trị mà Studio của bạn mang lại, vì việc kinh doanh đều được trao đổi bằng tiền tệ khi khách hàng sử dụng dịch vụ tại studio của bạn. Có đúng không nào?
2. Xác định nhóm khách hàng mục tiêu khi kinh doanh studio
Việc định hướng phân khúc khách hàng là rất quan trọng. Dựa trên sản phẩm để xác định đối tượng khách hàng mục tiêu một cách chính xác. Nhóm khách hàng phải được xác định cụ thể, chi tiết và có phân khúc rõ ràng. Sai lầm của nhiều studio là cố gắng bao phủ cả thị trường mà không xác định được đối tượng khách hàng chính, dẫn đến hoang mang trong việc đưa ra chiến lược.
Hơn nữa bạn phải xác định rõ bán kính mà studio của bạn có thể cung cấp, gần bạn có những đối thủ nào.
3. Các kênh truyền thông nào để quảng bá và tiếp cận khách hàng khi mở studio nhiếp ảnh?
Khi mở một studio nhiếp ảnh, để tiếp cận khách hàng và đưa sản phẩm dịch vụ lên tầm cao, cần xác định khách hàng thường xuyên sử dụng mạng xã hội nào và nơi họ thường xuất hiện. Các kênh truyền thông có thể sử dụng bao gồm mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, Pinterest, cũng như quảng cáo trực tuyến, email marketing, tạo nội dung chất lượng cao trên website hoặc blog của studio.
Trong lĩnh vực studio thì nên tận dụng tối đa FB cá nhân của chủ và các nhân viên, đội nhóm để tạo ra sự lan tỏa mạnh nhất.
4 Làm thế nào để thiết lập mối quan hệ và giữ chân khách hàng?
Để kết nối với khách hàng và giữ chân họ, cần thiết lập mối quan hệ và triển khai các chính sách chăm sóc khách hàng, khuyến mãi, ưu đãi, và chương trình thân thiết. Điều này có liên quan mật thiết với việc quảng bá và triển khai các chiến lược marketing.
5. Nguồn thu chính của studio nhiếp ảnh đến từ đâu?
Doanh thu của một studio nhiếp ảnh có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm chụp ảnh, in ảnh, chỉnh sửa ảnh, cho thuê trang phục và phụ kiện, và nhiều hơn nữa. Cần xác định nguồn thu chính để tập trung đẩy mạnh và triển khai các chiến lược quảng bá và marketing. Cần cân nhắc thiết kế nhiều mức giá và chiến lược upsale để tăng doanh thu cho studio.
6. Các đơn vị hợp tác chính của studio
Khi khởi nghiệp kinh doanh nhiếp ảnh, Trương San nghĩ không chỉ cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu mà còn cần quan tâm đến việc tìm kiếm các đối tác hợp tác. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự thành công của studio trong quá trình hoạt động.
Ví dụ như: xưởng in; hoặc các nhà hàng tiệc cưới (đối với studio cưới); xưởng phụ tùng decor, trang trí phim trường; trang phục, các đơn vị cúng gia tiên, tắm cho bé, massage mẹ bầu…
Việc xác định những đối tác hợp tác này từ đầu sẽ giúp studio tạo ra những liên kết đáng tin cậy và tiết kiệm thời gian tìm kiếm đối tác sau này. Ngoài ra, đối tác hợp tác còn giúp studio cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn cho khách hàng của mình, đảm bảo sự hài lòng và tăng khả năng quay lại của khách hàng.
7. Các hoạt động chính
Cần phải thực hiện một số hoạt động chính để duy trì và phát triển studio, bao gồm vận hành, quản lý và tìm kiếm khách hàng.
Đầu tiên, việc vận hành một studio nhiếp ảnh hiệu quả là điều cần thiết. Nó bao gồm việc thiết lập các bản mô tả công việc và quy trình làm việc để đảm bảo rằng mọi công việc được thực hiện một cách chuẩn mực và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Bạn cần phải có một hệ thống quản lý hiệu quả như phần mềm hoặc trang tính để quản lý studio về các job chụp, hợp đồng và các chi phí, đồng thời đảm bảo rằng nhân viên của bạn hoạt động một cách hiệu quả
Thứ hai, quản lý studio nhiếp ảnh là một hoạt động quan trọng để giúp duy trì và phát triển kinh doanh. Bạn cần phải quản lý tài chính, quản lý nhân sự, quản lý chất lượng và quản lý các hợp đồng, trang phục một cách chuyên nghiệp. Bạn cần phải đảm bảo rằng studio của bạn đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng và luôn hoạt động trong tình trạng tốt nhất.
Cuối cùng, việc tìm kiếm khách hàng mới là một hoạt động quan trọng để giúp phát triển kinh doanh. Bạn cần phải có một chiến lược marketing hiệu quả để tiếp cận với khách hàng tiềm năng và giới thiệu các dịch vụ và sản phẩm của mình. Bạn cần phải xác định đối tượng khách hàng của mình và tìm cách tiếp cận với họ một cách chuyên nghiệp.
8. Các nguồn lực kinh doanh studio
Xác định các nguồn lực chính của studio, bao gồm nhân sự, tài chính và các nguồn lực khác. Cần xác định nguồn lực cần có và tìm kiếm nguồn lực đó từ đâu, đặc biệt là cần có khoản tài chính dự phòng để đối phó với các rủi ro bất ngờ.
9. Chi phí
Thống kê và xác định các chi phí để vận hành và duy trì studio, bao gồm chi phí đầu tư, chi phí vận hành và chi phí cơ hội, chi phí khấu hao, chi phí nhân sự, marketing,….. Nắm vững các loại chi phí này sẽ giúp bạn tính toán chi phí để mở một studio và quản lý các chi phí hiệu quả hơn.
Đây là bước quan trọng để khởi nghiệp chụp ảnh và kinh doanh nhiếp ảnh một cách bài bản và hiệu quả.
Trên đây là 9 bước cơ bản nhất để lập kế hoạch kinh doanh studio cho người mới bắt đầu. Việc khởi nghiệp và kinh doanh nhiếp ảnh đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng và hiểu biết sâu sắc về các hoạt động, nguồn lực và chi phí của một studio.
Bạn có thể xem thêm các kiến thức kinh doanh Studio của Đỗ Trương San San tại Youtube